image banner
GIỚI THIỆU CHUNG VỀ XÃ ĐẮK NIA

1. Điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội của xã

a) Điều kiện tự nhiên

Xã Đắk Nia được thành lập theo Nghị định 82/2005/NĐ-CP ngày 27/6/2005 của Chính phủ. Xã Đắk Nia có tổng diện tích tự nhiên là 9.354,87 ha, dân số là 2.628 hộ với 10.017 khẩu, có 15 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó dân tộc thiểu số chiếm 39,04%. Tổ chức hành chính gồm có 07 thôn và 05 bon đồng bào dân tộc thiểu số. Trên địa bàn có 3 tôn giáo chính: Phật giáo, Tin Lành và Thiên chúa giáo. Xã có đặc điểm điều kiện tự nhiên như sau:

- Vị trí địa lý:

Xã Đắk Nia nằm ở phía Đông Nam của thành phố Gia Nghĩa, dọc theo Quốc lộ 28, cách trung tâm thành phố 10km, xã có tuyến đường quốc lộ 28 chạy dọc qua thông từ thành phố Gia Nghĩa với huyện Đắk Glong và tỉnh Lâm Đồng. Vị trí địa lý của xã khá thuận lợi trong việc phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội, cụ thể:

+ Phía Bắc giáp phường Nghĩa Đức, thành phố Gia Nghĩa; xã Đắk Ha, huyện Đắk Glong.

+ Phía Nam giáp xã Lộc Bảo, huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng; xã Nhân Đạo, huyện Đắk R’Lấp.

+ Phía Đông giáp xã Đắk Ha, xã Quảng Khê, huyện Đắk Glong.

+ Phía Tây giáp phường Nghĩa Tân, phường Nghĩa Trung, thành phố Gia Nghĩa và xã Nhân Cơ, huyện Đắk R’Lấp.

- Về địa hình:

Xã Đắk Nia có địa hình tương đối phức tạp, bị chia cắt mạnh bởi hệ thống sông, suối và các hợp thủy trên địa bàn. Nằm trên vùng có độ cao trung bình 600-700m so với mực nước biển, địa hình có xu hướng thấp dần từ Đông bắc xuống Tây nam. Địa hình chia thành 02 dạng đặc trưng là:

+ Dạng địa hình núi cao sườn dốc bị chia cắt mạnh: Phân bố ở khu vực Tây bắc và phía Đông bắc của xã, độ cao trung bình trong khu vực từ 600 - 700m so với mực nước biển, có độ có dốc 5-200. Dạng địa hình này chiếm 2/3 diện tích tự nhiên của xã.

+ Dạng địa hình đồi thoải với độ chia cắt trung bình: Tập trung khu vực trung tâm và một phần phía Tây của xã; độ cao trung bình từ 450-550m so với mực nước biển, có độ dốc 8 – 15­0.

- Về khí hậu:

Mang đặc điểm của khí hậu nhiệt đới gió mùa cao nguyên, mỗi năm được chia làm hai mùa rõ rệt. Mùa mưa bắt đầu từ tháng 4 đến tháng 10, mùa khô bắt đầu từ tháng 11 đến tháng 3 năm sau. Với lượng mưa, nhiệt độ và chế độ gió như sau:

+ Lượng mưa: Lượng mưa năm trung bình của khu vực 2502mm. Độ ẩm tương đối trung bình năm là 85%.

+ Nhiệt độ: Nắng nhiều với tổng tích ôn: 8000-9000oC. Nhiệt độ không khí trung bình năm 22,20C. Tổng số giờ nắng trong năm: 2335 giờ.

+ Chế độ gió: Theo 2 hướng gió chính: Gió Đông bắc xuất hiện vào các tháng mùa khô, tốc độ gió trung bình 1-3m/s, tốc độ lớn nhất là vào tháng 3 (19m/s); Gió Tây nam xuất hiện vào các tháng mùa mưa, tốc độ trung bình từ 1-2m/s, tốc độ lớn nhất là vào tháng 4 (23m/s).

- Thuỷ văn:

Trên địa bàn xã Đắk Nia có hệ thống sông, suối khá phong phú và được phân bố tương đối đồng đều, trong đó có sông Đồng Nai (chạy dọc theo ranh giới phía nam của xã khoảng 12 km); suối Đk RTih (chạy dọc theo ranh giới phía Tây của xã khoảng 10 km) là những sông suối có lưu lượng nước lớn quanh năm và có tiềm năng phát triển xây dựng các công trình thuỷ điện, thuỷ lợi lớn. Ngoài ra trên địa bàn còn có các suối như: Dak Muông, Dak Noh, Dak Nir, Dak Riah…Tuy nhiên do ảnh hưởng của địa hình nên lưu lượng nước biến động theo mùa; mùa mưa nước lớn, mức độ tập trung nước nhanh, thường gây ngập úng một số vùng; mùa khô, mực nước xuống thấp, xảy ra tình trạng khô hạn gây khó khăn cho sản xuất nông nghiệp. 

- Các nguồn tài nguyên:

+  Tài nguyên đất:

Tài nguyên đất khá phong phú, đa dạng với diện tích đất tự nhiên rộng lớn, đất đai màu mỡ phù hợp cho phát triển các loại cây công nghiệp lâu năm, cây lương thực. Trên địa bàn xã có 4 loại đất chính: Đất nâu đỏ trên đá bazan (Fk) chiếm 72,16% tổng diện tích tự nhiên; Đất nâu vàng trên đá bazan (Fu) chiếm 1,93% tổng diện tích tự nhiên; Đất đỏ vàng trên đá phiến sét (Fs) chiếm 20,75% tổng diện tích tự nhiên; Đất dốc tụ thung lũng (D) chiếm 5,16% tổng diện tích tự nhiên.

+ Tài nguyên nước:

Nguồn nước mặt trên địa bàn phụ thuộc vào lượng nước lưu giữ từ các sông suối, ao hồ, đập… Hàng năm trên địa bàn xã tiếp nhận một khối lượng lớn nước mặt chủ yếu từ nước mưa, thuận lợi phục vụ cho sản xuất nông nghiệp.

+ Tài nguyên rừng:

Tổng diện tích rừng trên địa bàn442,06 ha, Trong đó rừng tự nhiên 281,05 ha; Rừng trồng 11,08 ha; Đất lâm nghiệp 149.93 ha. Rừng phân tán manh mún, không tập trung trong các khu vực sản xuất nông nghiệp và dọc theo các sông, suối lớn.

+ Tài nguyên khoáng sản:

Trên địa bàn xã có tiềm năng về khoáng sản (đá xây dựng). Hiện nay trên địa bàn xã có 4 Mỏ đá được cấp phép và đang hoạt động.

b) Điều kiện Kinh tế

- Ngành nông nghiệp: Sản xuất nông nghiệp đóng vai trò chủ đạo trong nền kinh tế của xã và thu nhập của đại đa số người dân.

+ Diện tích trồng và sản lượng nông nghiệp chủ yếu tập trung vào một số cây trồng chủ yếu gồm cà phê, điều, hồ tiêu, cây ăn trái, cây hàng năm gồm các loại bắp, khoai lang, đậu các loại và rau xanh. Hiện nay, giá cả các mặt hàng nông sản như cà phê, tiêu, sầu riêng,… đã có bước khởi sắc giúp nguồn thu nhập của người dân tăng lên, tạo động lực phát triển kinh tế nông thôn. Tuy nhiên do ảnh hưởng của thời tiết, năng suất của một số mặt hàng nông sản như cà phê, điều, tiêu giảm đi so với cùng kỳ năm 2023.

+ Tình hình chăn nuôi trên địa bàn xã đã dần ổn định và từng bước phát triển, số lượng hộ dân tham gia vào lĩnh vực chăn nuôi và số lượng đàn vật nuôi ngày càng tăng; một số cơ sở chăn nuôi đã và đang áp dụng các mô hình chăn nuôi khép kín, ứng dụng khoa học công nghệ vào chăn nuôi; thu nhập từ lĩnh vực chăn nuôi ngày càng cao; sản lượng, chất lượng sản phẩm chăn nuôi đã và đang đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ ngoài thị trường; công tác phòng ngừa, kiểm soát dịch bệnh trong chăn nuôi được triển khai có hiệu quả; việc đảm bảo vệ sinh môi trường trong chăn nuôi cơ bản được kiểm soát.

- Ngành thương mại - Dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp:

Ngành thương mại – dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp có bước phát triển, tuy nhiên các hộ, cơ sở kinh doanh dịch vụ có quy mô chưa lớn, chủ yếu là các mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống hàng ngày và các hộ hành nghề cơ khí, sửa chữa... cơ bản đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng tại chỗ.

c) Văn hóa – Xã hội

- Về giáo dục: Trên địa bàn xã có 05 trường học gồm: 01 trường mẫu giáo; 02 trường tiểu học; 01 trường trung học cơ sở; 01 trường tiểu học và trung học cơ sở. Công tác giáo dục và đào tạo của xã được chú trọng, dần có bước phát triển tích cực, chất lượng dạy và học dần được nâng lên, nhằm nâng cao dân trí cho nhân dân, cơ sở vật chất của các trường học được quan tâm đầu tư, sửa chữa. Đến nay, có 4/5 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 và 1/5 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2. Tỷ lệ trẻ em mẫu giáo vào lớp 1 đạt 100%. Đạt chuẩn phổ cập tiểu học và trung học cơ sở mức độ 3. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở được tiếp tục học (phổ thông, bổ túc, học nghề) ở mức cao.

- Về Y tế:

+ Công tác y tế chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân cũng luôn được quan tâm đúng mức. Công tác khám chữa bệnh thường xuyên được duy trì tại Trạm y tế xã đảm bảo theo quy định; công tác giám sát tình hình dịch bệnh tại thôn, bon thường xuyên được triển khai. Hàng năm, đội ngũ cán bộ y tế xã, thôn, bon đã tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao nhận thức trong phòng chống các loại dịch bệnh, ăn uống hợp vệ sinh, thực hiện kế hoạch hoá gia đình, để bảo vệ sức khoẻ bà mẹ trẻ em, chăm sóc, nâng cao chất lượng cuộc sống.

+ Các chương trình tiêm chủng mở rộng và chương trình khác đã triển khai, thực hiện đầy đủ và đạt kết quả tốt.

- Về văn hóa, thông tin, thể dục, thể thao:

+ Hoạt động văn hóa, thông tin, thể dục, thể thao đa dạng, phong phú, thường xuyên được tổ chức thu hút sự tham gia của đông đảo người dân trên địa bàn. Phát thanh truyền hình đảm bảo phục vụ kịp thời nhiệm vụ chính trị ở địa bàn và từng bước nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân trong xã.

+ Hệ thống thông tin cơ sở đã được quan tâm đầu tư nâng cấp, cải tạo, từng bước đáp ứng nhu cầu tiếp cận thông tin của người dân trên địa bàn.

+ Công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện nếp sống mới, gia đình văn hóa, xóm văn hóa, thôn văn hóa ngày càng được quan tâm, chú trọng. Thông qua các đợt vận động, tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước giúp nâng cao ý thức của nhân dân trong việc chấp hành, phát huy tinh thần làm chủ của người dân, xây dựng đời sống văn hóa.

Lịch làm việc
Thống kê truy cập
  • Đang online: 0
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ XÃ ĐẮK NIA

Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Ngô Ngọc Khanh - Chủ tịch UBND x
Trụ sở: Xã Đắk Nia, Thành phố Gia Nghĩa, Đắk Nông
Email: ubnddaknia@gmail.com

ipv6 ready