NHỮNG ƯỚC MƠ BÌNH DỊ TỪ LỚP HỌC XÓA MÙ CHỮ TRÊN ĐỊA BÀN XÃ ĐẮK NIA
Đắk Nia là một xã vùng ven của đô thị Gia Nghĩa, gồm có 12 thôn, bon, trong đó có 5 bon người đồng bào DTTS chiếm gần 40%, địa hình phức tạp, giao thông đi lại khó khăn, đời sống vật chất và tinh thần còn nhiều thiếu thốn, kinh tế - xã hội phát triển chậm, đồng bào sống chủ yếu nhờ nghề làm nương rẫy, tỷ lệ người mù chữ cao. Cùng với nỗ lực xóa đói giảm nghèo, trong thời gian quan, Ban chỉ đạo phổ cập giáo dục, xóa mù chữ xã Đắk Nia, hàng năm thực hiện công tác điều tra rà soát phổ cập giáo dục, xóa mù chữ đối với người dân trên địa bàn xã Đắk Nia, qua rà soát, hiện tại xã Đắk Nia có tổng số người mù chữ ở độ tuổi từ 15 - 60 tuổi, số người mù chữ mức độ 1 là 51 người, chiếm tỉ lệ 0,64%; số người mù chữ mức độ 2 là 127, chiếm tỉ lệ 1.58%. Sau một thời gần 02 năm Ban chỉ đạo phổ cập giáo dục, xóa mù chữ xã phối hợp với các đơn vị trường học, ban ngành, đoàn thể và các đơn vị thôn, bon vào cuộc, thực hiện công tác tuyên truyền, vận động người dân từ 15 - 60 tuổi mù chữ, tái mù chữ đăng kí tham gia học lớp học xóa mù chữ, tại Trung tâm học Cộng đồng xã Đắk Nia.
Nhằm tạo điều kiện cho người dân tiếp cận các kiến thức, biết vận dụng vào cuộc sống lao động sản xuất, nâng cao dân trí, đào tạo nghề, tìm kiếm việc làm góp phần nâng cao chất lượng nguồn lực, xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng - an ninh, để người dân tham gia các lớp học xóa mù chữ trên địa bàn xã. Sau hơn 1 tháng tổ chức lớp học xóa mù chữ cho người dân vì hoàn cảnh gia đình, điều kiện kinh tế, kém may mắn chưa được tiếp cận giáo dục. Được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đã tạo điều kiện cho những người dân khó khăn, thiệt thòi, kém may mắn, chưa biết chữ được tiếp cận và tham gia lớp học xoá mù chữ này, nâng cao trình độ dân trí, giúp bà con tiếp cận được kiến thức phổ thông để áp dụng trong đời sống sinh hoạt và lao động sản xuất.

Hiện tại chúng ta đang sống trong thời đại 4.0, một thời đại công nghệ số, thời đại mà khoa học kỹ thuật, nguồn nhân lực chất lượng cao đang dần chi phối và tác động trực tiếp lên cuộc sống của con người. Tuy nhiên, đâu đó còn một số người dân trên địa bàn xã, có những ước mơ bình dị như biết đọc, biết viết tưởng chừng không còn tồn tại thì vẫn đang được nhiều người nông dân “chân lấm tay bùn” từng ngày thêu dệt nên.
Cũng như các học viên khác của lớp xóa mù chữ, được đi học, biết đọc, biết viết là ước mơ bấy lâu nay của các học viên. Ngày còn nhỏ, nhìn các bạn cùng trang lứa ngày ngày cắp sách tới trường, các học viên này cũng rất muốn được đi học, nhưng vì điều kiện gia đình quá khó khăn, cùng với nhận thức của người dân địa phương về sự nghiệp giáo dục còn khá hạn chế nên gia đình đã để anh chị phải nghỉ học ở nhà phụ giúp việc nương rẫy. Giữa lo toan bộn bề của cuộc sống, ước mơ biết đọc biết viết luôn cháy bỏng trong những con người bình dị này, chính vì vậy, ngay khi biết tin có lớp xóa mù chữ được mở tại Trung tâm HTCĐ xã đã là những người đầu tiên đăng ký tham gia lớp học.

Theo chị K’ Riêm, bon Bu Sóp, ngày trước do cuộc sống gia đình quá khó khăn nên chị chỉ được đi học đến lớp 2 là phải nghỉ ở nhà. Bản thân không biết chữ nên rất khổ, làm việc gì cũng khó, cái gì cũng phải hỏi người khác, nhiều lớp tập huấn chuyển giao KHKT sau khi tham gia về chị chẳng biết áp dụng thế nào. Bây giờ được sự quan tâm Đảng và Nhà nước, tạo điều kiện mở lớp xóa mù chữ tới tận địa phương như này, rất thuận tiện nên vợ chồng chị đã động viên nhau phải cố gắng đi học để biết đọc, biết viết, mong sao cuộc sống sau này của gia đình sẽ ổn định hơn.
Cũng như chị K’ Riêm, gần 30 học viên của lớp xóa mù chữ xã Đắk Nia, mặc dù mỗi người có một hoàn cảnh khác nhau nhưng tất cả đều có một mong muốn là được đi học, được biết đọc, biết viết. Bởi họ hiểu được ý nghĩa và tầm quan trọng của việc biết chữ. Có người mong muốn đi học để về dạy dỗ con cái, có người muốn học để biết thêm nhiều thông tin kiến thức, nhưng cũng có những học viên chỉ đơn giản mong muốn đi học để không còn phải “Điểm chỉ” mỗi khi cần đến chữ kí hoặc biết nhắn tin, đọc tin nhắn của bạn bè người thân…
Anh K’ Sar, học viên lớp xóa mù ở bon Tinh Wel Đơm, xã Đắk Nia cho biết: Trước đây mỗi lần ra UBND xã là việc gì đều phải dùng ngón tay để điểm chỉ, trong khi có nhiều người già hơn anh đều có thể dùng bút để viết tên nên bản thân anh cảm thấy rất xấu hổ, tự ti. Trong thời gian hơn 1 tháng tham gia học, bây giờ tôi đã biết được cơ bản mặt chữ rồi, anh không còn lo lắng nữa, cảm thấy rất vui và tự tin. Anh đi học còn là để làm gương cho các con học tập noi theo.
Lớp học xóa mù chữ ở xã Đắk Nia được mở vào dịp nghỉ hè và học vào buổi tối, thời gian học kéo dài hơn 9 tháng, được tổ chức vào các buổi tối trong tuần, bắt đầu từ 19 đến 21 giờ 30 phút, tối thứ 2 đến tối thứ 7 hàng tuần, đây cũng là thời điểm bà con nông dân đang tập trung thu hoạch mùa vụ mùa nên thời gian khá hạn hẹp. Mặc dù vậy, kể từ ngày khai giảng lớp học đến nay, dù trời nắng hay mưa lớp học đều chưa bao giờ vắng mặt học viên, luôn nhộn nhịp tiếng cười, tiếng đọc bài. Đây chính là nguồn động viên khích lệ to lớn đối với các giáo viên đứng lớp khi mỗi đêm đến lớp học truyền dạy kiến thức.

Như, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Học – Học nữa – Học mãi”, “Nếu không chịu khó học thì không tiến bộ được. Xã hội càng đi tới, công việc càng nhiều, máy móc càng tinh xảo. Mình mà không chịu khó học thì lạc hậu, mà lạc hậu thì bị đào thải, tự mình đào thải mình”. Với tinh thần học tập của mình, những học viên lớp xóa mù chữ xã Đắk Nia đang tự mở ra cho mình một tương lai tươi sáng hơn, ý chí và nghị lực của họ thật đáng được trân trọng./.